Làm gì khi bạn sắp già?

Từ trước đến giờ, mình vẫn thường cảm thấy bản thân còn chưa đủ chín chắn, chưa đủ ổn định để làm việc này việc kia. Thế rồi khi bước vào tuổi 29 rưỡi, mình chợt nhận ra chẳng bao lâu nữa sẽ qua ngưỡng tuổi 30, cái độ tuổi tuy chưa già nhưng chắc chắn không còn trẻ nữa. Gần đây mình phát hiện ra, quanh bụng hình như lớp mỡ có phần gia tăng mặc dù đã cố gắng kiểm soát để không lên cân. Ôi thật là chán khi thân hình chưa có dịp được thon thả đã phải ra nhập nhóm những cô, những bác có phần “lính phính.” Dạo này lại còn sáng sớm tỉnh giấc không ngủ lại được, chân tay thỉnh thoảng đau nhức mà không có nguyên nhân. Những dấu hiệu của sự lão hoá thực sự đã lấm chấm xuất hiện.

Nghĩ đến những việc này, tất nhiên mình não lòng chứ. Những lúc đó, mình hay nghĩ tới câu Kinh Thánh trong sách Cô-rinh-tô (sách là bức thư sứ đồ Xanh Pôn gửi cho hội thánh ở Cô-rinh-tô thuộc Hy Lạp ngày nay):

“Cho nên chúng tôi không thất vọng, dù thân xác bề ngoài càng ngày càng già yếu nhưng tinh thần bên trong mỗi ngày một đổi mới.”

Theo suy ngẫm của mình, thì câu văn này dạy cho chúng ta ba điều:
(1) Những thay đổi về thân thể bên ngoài không quan trọng bằng những thay đổi về tinh thần bên trong
(2) Dù có già nua ốm yếu, thì tinh thần bên trong vẫn luôn có thể đổi mới mỗi ngày
(3) Chính vì điều này mà chúng ta có thể nuôi hy vọng khi đối diện với tuổi già

Những thay đổi bên ngoài không quan trọng bằng những thay đổi bên trong

Lần đầu mình “chạm ngõ” tới quá trình lão hoá là khi vừa hai ba tuổi, sống chung với bạn cùng phòng và bị nó nhắc nhở: “Cậu còn trẻ thì sớm bôi kem chống nếp nhăn, bắt đầu từ lúc hai mươi tuổi thì đến lúc năm mươi nó mới không bị nhăn. Chờ đến già như mẹ tớ mới bắt đầu thì phải dùng loại kem 350 đô, còn bọn mình dùng sớm thì loại 50 đô là được rồi.”

Tất cả những thông tin lúc đó đều mới lạ! Mình vừa sửng sốt vì có những loại kem đắt tiền như vậy, lại vừa thấy bản thân chủ quan không chịu để ý chăm sóc da dẻ. Thế rồi cũng đua đòi mua mấy hộp kem về dùng, rồi các loại hộp này hộp kia chuyên dụng khác nhau. Nhưng mà lúc đó da vốn dĩ phẳng lỳ nên cũng không rõ có tác dụng hay không.

Liệu dồn đa phần thời gian, tiền bạc vào những hoạt động, những đồ vật, những thức ăn nhằm kháng cự quá trình lão hoá có phải là điều tốt? Tất nhiên, chăm sóc cơ thể một cách khoa học và điều độ qua việc tập thể dục thể thao, ăn uống bảo đảm và khám sức khoẻ thường xuyên là trách nghiệm của chúng ta. Nhưng không nên dồn quá nhiều thời gian công sức vào những việc chưa chắc có lợi và không cần thiết.

Mình hàng ngày dùng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm loại bình thường bán trong siêu thị, thỉnh thoảng cũng đắp mặt nạ cho thay đổi chút. Tất nhiên, có người quan tâm nhiều hơn, có người quan tâm ít hơn, nhưng dành ra cả núi tiền để mua kem chiết xuất từ ngọc trai, hay phẫu thuật xóa nếp nhăn, tiêm botox thì hoàn toàn là không cần thiết.

Dù có già nua ốm yếu, thì tinh thần vẫn luôn có thể đổi mới mỗi ngày

Hồi còn học cao học, mình may mắn được làm quen với ông bà Ron và Sarah. Hai ông bà đã về hưu khá lâu nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ sinh viên quốc tế trau dồi tiếng Anh. Đợt vừa rồi mình nhận được email của bà Sarah chia sẻ tin ông Ron đang phải chống chọi với một căn bệnh ác tính:

“Nhưng chúng tôi đầy hi vọng và tin tưởng ở nơi Chúa Trời, và chúng tôi không để cho căn bệnh này ảnh hưởng đến đời sống. Ông Ron vẫn dạy thêm và tham gia các công việc ở hội thánh, còn tôi thì vẫn tham gia câu lạc bộ sách và làm tình nguyện ở trại trẻ mồ côi. Sắp tới chúng tôi sẽ đi một chuyến du lịch để tìm hiểu thêm về lịch sử miền Nam nước Mỹ.”

Mình ngưỡng mộ tinh thần học hỏi, lòng thiện nguyện và niềm tin của hai ông bà. Thật tình là một người trẻ với nhiều sức lực và thời gian như mình cũng chưa làm nổi một phần nhỏ như vậy. Tất nhiên, ai cũng có những hoàn cảnh khác nhau, không phải ai cũng nên đi du lịch hay đi tình nguyện nhất là khi đang chống chọi với bệnh tật, nhưng ai cũng có thể sống với một hy vọng đổi mới tinh thần. Khi sức khoẻ không cho phép thì những buổi xem TV để học hỏi thêm về thế giới xung quanh, một cuộc gọi điện hỏi thăm hàng xóm, hay những lời khuyên dặn con cháu cũng đáng nghìn vàng đó rồi.

Nhiều khi mình có cảm giác rằng, đến lúc mình già quá, yếu quá, thì nên sống làm gì. Lúc đó, phải chăng chỉ là sống một cách kháng cự để được nhìn thấy con cháu lớn thêm chút nữa. Nhưng không!!! Kể cả khi đã già như ông bà Ron và Sarah rồi thì phía trước vẫn còn rất nhiều để học tập, để cống hiến, để hưởng thụ, để cải thiện.

tree-4889_1920

Dù có già nua ốm yếu, thì tinh thần vẫn luôn có thể đổi mới mỗi ngày. Chính vì vậy, chẳng phải chúng ta có thể đối diện với sự lão hoá với đầy niềm tin, hy vọng và sự hứng khởi hay sao? Cách đây mấy năm, mình có dịp đến thăm rừng cây sequoia (đọc là xê-coi-a) khổng lồ. Những loài cây này có tuổi thọ trên hai, thậm chí ba nghìn năm. Thân cây to đến nỗi chục người mới ôm xuể. Điều đặc biệt là, những cây sequoia này không ngừng phát triển, không ngừng lớn thêm. Cây to nhất – được đặt tên là cây General Sherman – không chỉ là cây to nhất thế giới mà cũng là cây hàng năm tăng thêm nhiều nhất về trọng lượng. Trừ khi bị cháy hay bị đốn hạ, thì những cây sequoia về nguyên lý có thể sống và phát triển mãi mãi. Về bề ngoài, có lẽ đỉnh cao là tuổi ba mươi còn sau đó chúng ta sẽ dần dần xuống dốc. Nhưng hãy tưởng tượng những điều gì có thể xảy ra nếu tinh thần chúng ta ngày càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn như những cây sequoia kia?

Ngôi Nhà Hạnh Phúc

Đây là cả đoạn trong thư Cô-rinh-tô nếu mọi người muốn quan tâm tìm hiểu: Đọc thêm

One thought on “Làm gì khi bạn sắp già?

  1. Mình coi cái Documentary Film nó bảo kem đắt và kem rẻ (không phải loại quá rẻ không rõ thành phần nguồn gốc) thì tác dụng không khác gì nhau cả, mắc là do thương hiệu, người ta còn làm cái test gì đó và ra kem rẻ còn tốt hơn. Cơ mà thực sự để bắt mình tin kem 2€ công dụng như kem 100€ thì khó thật.
    Mình cũng chỉ xài serum 3€ loại mua ở siêu thị, xài mỗi ngày vì làm ẩm da, chắc do hợp hoặc do cơ thể trẻ sẵn nên 33 rồi mà các em sinh viên cứ tưởng trẻ hơn chúng nó 🙂 .

    Liked by 1 person

Comments are closed.