Đối diện với mất mát và tiếc nuối

Mình không muốn nghĩ đến những mất mát và tiếc nuối đã từng và có thể sẽ xảy ra, nhưng sự thật là trong cuộc sống, những điều này khó có thể tránh khỏi. Hôm nay, mình dành chút thời gian gom góp lại những gì mình học được và những gì mình dựa vào để động viên bản thân khi những tình huống này xảy ra. Vừa là chia sẻ với mọi người, vừa là giúp cho tâm trí thêm an nhiên. 

Nói đến những mất mát và tiếc nuối, có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bạn mất người thân hay bạn bè vì bệnh tật, vì tai nạn, vì hôn nhân tan vỡ, hay vì một trong hai người chủ động cắt đứt liên lạc, đẩy người kia ra khỏi cuộc sống của mình. Sự thương nhớ hay day dứt có khi vẫn bám đuổi bạn sau nhiều năm. Có thể bạn thất tình – mình biết rằng kể cả những mối tình vu vơ và ngắn ngủi cũng có thể khiến bạn thất vọng, chán ăn chán ngủ nữa là những cuộc tình sâu đậm. Có thể bạn mất cơ hội trúng truyển vào một trường đại học hay một công việc mơ ước, hay vì một nguyên nhân nào đó mà mất đi cơ nghiệp đã xây dựng bao lâu nay. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt bỏ ra, cuối cùng lại công cốc, bạn không còn sức lực để xoay ngược thời gian và làm lại từ đầu.   

Cuộc sống của mình không có nhiều sóng gió, nhưng mình đã trải qua một vài mất mát nhất định và mình hiểu được những tiếc nuối, những day dứt và những lo sợ. Khi tâm trí bị bao bọc bởi những suy nghĩ và cảm xúc này, chúng ta có thể dựa vào những gì để trấn an bản thân? 

1, Chấp nhận rằng cuộc sống này sẽ có nhiều mất mát, nhưng tin rằng cuối cùng thì mọi chuyện sẽ ổn. 

Người Mỹ hay động viên nhau bằng câu nói: “It is gonna be fine” [Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.]  Những lúc mình cảm thấy áp lực và lo lắng bởi kỳ thi cuối kỳ, hội bạn đại học Mỹ hay động viên mình như vậy. Với bản tính cầu toàn, mình luôn nghĩ rằng, mình chỉ có thể hài lòng nếu như mọi thứ diễn ra theo đúng sự mong đợi của mình – mình làm bài thuyết trình tốt, mình được điểm cao, mình tìm được công việc thực tập, v.v. Làm sau mình có thể ổn được khi mình chưa biết kết quả rồi sẽ thế nào? Sau nhiều năm, mình hiểu ra, ổn không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra như ý, mà kể cả khi có những thất bại mình cũng sẽ ổn: Vì thời gian sẽ dần dần gàn hắn những vết thương, vì những mất mát có lúc khiến ta trưởng thành hơn, vì ta có thể tin tưởng rằng mình có đủ nghị lực để đối diện với những thách thức. 

Câu chuyện về ông Horatio Spafford, một luật sư và doanh nhân sống cuối thế kỷ thứ 19 ở Mỹ khiến mình rất xúc động. Ông mất một khối tài sản lớn trong đám hoả hoạn ở Chicago và đồng thời mất một người con trai mới bốn tuổi vì sốt ban đỏ. Nghĩ rằng một chuyến du lịch có thể làm nguôi ngoai vết thương, ông đặt vé cho vợ và bốn cô con gái trên một chuyến tàu du lịch từ Mỹ sang Anh. Tuy nhiên con tàu gặp nạn và bị đắm, bốn cô con gái thiệt mạng và duy nhất có người vợ sống sót. Trong sự đau đớn và bàng hoàng, ông sáng tác những câu thơ để tìm sự động viên và an ủi nơi Chúa Trời. Những câu thơ này được phổ nhạc và trở thành một bài thánh ca nổi tiếng: 

“Những lúc cuộc sống trôi qua êm dịu như một con suối,
Những lúc đau thương cuộn trào như những cơn sóng ngoài khơi, 
Số phận của tôi có thế nào đi nữa, Chúa Trời đã dạy cho tôi rằng 
Tâm hồn của tôi luôn có thể bình yên, luôn có thể bình yên.”

2, Tất cả mọi người đều có những trải nghiệm mất mát, hãy dựa vào nhau để san sẻ vui buồn 

Những lúc đối diện với thất bại và mất mát, chúng ta chỉ muốn thu mình lại, muốn giấu kín mọi việc. Chúng ta sợ mất mặt trước bạn bè và gia đình, sợ những điều tiếng rèm pha của người quen. Cách đây ba năm, mình gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin việc. Trong khi bạn bè cùng khoá đã tìm được công việc tốt, mọi người bàn tán về các dự án mới, đồng nghiệp mới, thì mình vẫn loay hoay nộp hồ sơ, ôn phỏng vấn. Mình ngại gặp mọi người, sợ sự so sánh và áp lực. Say này mình nhận ra rằng, những lúc khó khăn nhất là lúc mình cần những người bạn nhất. Mình không cần phải chia sẻ hoàn cảnh với nhiều người, nhưng cần sự động viên từ một vài người bạn thân, những người mình có thể hoàn toàn tin tưởng. 

Hơn sáu tháng nay, mình tham gia một nhóm học kinh thánh. Nhóm có mười người phụ nữ; hàng tuần, mọi người chia sẻ những niềm vui hay khó khăn trong cuộc sống và cùng động viên, cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người gặp những thử thách hay vấn mắc. Mình nhận ra rằng, bất kể bề ngoài có chỉn chu, mỹ mãn đến đâu, ai trong chúng ta cũng có những khó khăn nhất định – từ việc người thân hay bạn bè lâm bệnh, việc có con hay mang thai không suôn sẻ, khúc mắc trong các mối quan hệ gia đình, áp lực trong công việc, v.v. Ai cũng có những lo lắng, những tự ti, những lúc cảm thấy mất phương hướng. Nói lên được những khúc mắc với những người bạn chân thành, không xoi mói, giúp cho mình thấy nhẹ lòng hơn. Quan trọng là mình biết được những bạn đã trải qua những mất mát tương tự, có khi còn gấp nhiều lần mình, nhưng họ có thể vượt qua với một tâm lý tích cực và tìm thấy ý nghĩa trong khó khăn. Điều này giúp mình tin rằng, mình cũng sẽ có nghị lực nếu đến lượt mình. 

3, Hãy đừng trách bản thân và tìm sự tha thứ nếu bạn còn dằn vặt 

Sau những thất bại hay mất mát, chúng ta thường dằn vặt, tự trách bản thân vì những gì đã xảy ra. Trong đa phần các trường hợp, lỗi không phải của ai cả hoặc không của riêng mình bạn. Thậm chí có khi bạn đã làm tất cả những gì có thể nhưng sự việc không thể tránh khỏi. Trong những trường hợp như vậy, hãy khoan dung và nhẹ nhàng hơn với chính bản thân mình, hãy đừng tự trách móc và dằn vặt. Trong một số các trường hợp khác, có thể bạn là người có lỗi. Nếu vậy hãy cố gắng tha thứ cho bản thân, hay tìm sự tha thứ của đối phương nếu có thể. Nếu việc này thật khó, bạn có thể tìm đến Chúa Trời, Đấng có thể tha thứ được mọi việc. Trước khi sứ đồ Xanh Pôn cải đạo, chính ông đã đàn áp nhiều người theo đạo, khiến cho họ phải ngồi tù hay chịu tội chết. Thế nhưng ông tin tưởng rằng Chúa Trời có lòng bao dung đối với tất cả mọi người. Kể cả họ có tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, nếu chân thành nhận lỗi và sẵn sàng thay đổi, Chúa Trời có thể tha lỗi và giải phóng cho họ.   

4, Kể cả trong khó khăn, chúng ta cũng vẫn có thể tìm thấy hy vọng và ý nghĩa 

Mình đang đọc cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của bác sỹ tâm lý Victor Frankl kể về những năm tháng ông bị cầm tù trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Ông nói rằng để sống sót được trong trại tập trung dưới sự áp bức về thể xác lẫn tinh thần, người ta cần có niềm tin rằng cuộc sống này có ý nghĩa. Tuy nhiên, cuộc sống luôn gắn kèm với những đau khổ, vậy ta cũng sẽ phải tin rằng, ta có thể tìm được ý nghĩa ngay cả trong những đau khổ. Những người gục ngã, bỏ cuộc trong trại tập trung là những người nghĩ rằng phía trước không còn tương lai cho họ, cuộc sống này không còn gì đáng sống nữa. Ngược lại, những người sống sót là những người tìm thấy một mục đích, một lý do để đón chờ tương lai. Đó có thể là được đoàn tụ với người con, là hoàn tất một công trình nghiên cứu khoa học đang dở dang, là chăm sóc cho các bạn tù trong vai trò là một bác sỹ.     

Cách đây vài hôm, mình xem một phóng sự ngắn trên VNExpress về Hà Phương, cô người mẫu cụt tay mới có 16 tuổi. Mẹ em chia sẻ rằng, khi em sinh ra, cả nhà khóc vì buồn. Ai có thể ngờ được, đứa con đầu lòng mong đợi bấy lâu lại bị một dị tật đáng thương như vậy. Lớn lên, Hà Phương hay bị bạn bè trêu trọc, xa lánh. Em mặc cảm, buồn rầu, nghĩ rằng mình không đáng sống ở trên đời. Thế rồi, với sự động viên của gia đình, Hà Phương tham gia lớp học người mẫu. Em được chụp những bộ ảnh thời trang và tham dự những buổi trình diễn của các nhà thiết kế có tiếng. Nếu Hà Phương là một cô gái bình thường, có khi hình ảnh của em sẽ nhoà đi trong nhóm cả chục những người mẫu xinh đẹp khác. Nhưng em nổi bật với ý chí, quyết tâm và khát khao thực hiện ước mơ làm người mẫu của mình bất kể nghịch cảnh. 

5, Nếu tất cả những lời khuyên trên không có tác dụng, bạn hãy thử viết một lá thư nói lên hết tất cả những cảm xúc của mình.

Tuỳ theo hoàn cảnh, có thể là viết cho bản thân hay viết cho một người mà bạn đã mất. Sau đó hãy đem đốt lá thư này đi, coi như là “tạo một cái kết.” Khi mình trải qua quá trình tâm lý trị liệu, chị tư vấn viên khuyên mình làm điều này. Lúc đầu mình thấy phương pháp này rất lạ lùng, nhưng quyết định nghe theo. Giây phút khó khăn nhất là lúc ngồi xuống, mang giấy bút ra viết những lời đầu tiên. Nhưng rồi càng viết mình lại càng thấy nhẹ nhõm hơn, đối diện với những cảm xúc của bản thân không đáng sợ như mình nghĩ. Cuối cùng, có những việc đã qua, hãy để cho nó trôi qua, hãy giữ lại những ký ức đẹp thay vì sự tiếc nuối. Đồng thời, hãy dám đón nhận một khởi đầu mới.  

One thought on “Đối diện với mất mát và tiếc nuối

  1. Cảm ơn tác giả vì bài viết. Đôi khi đọc được những dòng viết ra cảm xúc của chính mình là một niềm hạnh phúc.

    Like

Comments are closed.