Làm sao để tự do khi bị trói chân ở nhà?

Sau ba tuần trú ẩn, lánh dịch tại nhà, tôi ra ngoài một mình, men theo tuyến đường sáng sớm chủ nhật vắng vẻ, cứ thế đi mãi, đi mãi hai tiếng đồng hồ. Tôi bực mình với chồng mà không biết nên làm thế nào. Cả hai người đều bận với công việc, nhưng có vẻ chồng bị áp lực hơn nên tôi quán xuyến cơm nước, thi thoảng còn làm các món tráng miệng theo yêu cầu để động viên anh. Thế mà anh chồng lại muốn ngủ một mình trong phòng làm việc để có không gian riêng tư, làm tôi ngủ một mình vừa tủi thân vừa lạnh co ro. Hôm đó, tôi quyết định đình công, không nói chuyện, không ăn cơm chung, không làm các việc nhà, tuyên bố từ nay sẽ như hai người sống chung ký túc, mỗi người một phòng, ai làm gì kệ người đấy.

Cuộc sống ký túc xá từ đó bắt đầu với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bớt gánh nặng việc nhà, tôi có thêm sự tự do về giờ giấc, không phải đàm phán dài dòng xem nên ăn gì, không phải nghe những phân tích lặp đi lặp lại của chồng. Một cảm giác thật thảnh thơi và dễ chịu, khiến tôi nhớ đến thời sinh viên năm nào. Mắt tôi dán vào máy tính xem phim, dù đã sáu giờ, bảy giờ, tám giờ tối cũng không mảy may. Một mình trong bốn bức tường thực sự cũng không tệ nếu nhiệm vụ của tôi chỉ có ăn, chơi, học, và chăm chút cho bản thân. Giá như có con chó ngồi bên thì sẽ vui hơn, nhưng trong lúc tình thế xáo trộn, anh chồng đã nhanh chóng chiếm lấy con chó làm tôi không kịp trở tay.

Tuy nhiên có những lúc tôi không khỏi lo lắng, giằng xé khi nghĩ tới tương lai hôn nhân. Có đôi trẻ nào lại sống với nhau thế này… mỗi người một phòng là sao, chẳng nhẽ sẽ ngủ riêng suốt đời, mà liệu có hai chữ “suốt đời” hay không? Liệu tâm lý của tôi có bình thường, chẳng phải tôi đã đi ngược lại những chuẩn mực xã hội và các giáo lý đạo đức?

Chiến tranh lạnh giữa hai con người sống chung ký túc cũng được xoa dịu khi bạn nam đề nghị nấu bữa tối, bưng vào tận phòng cho bạn nữ. Rồi cảm giác hiếu kỳ và nhớ nhung đã bị vùi dập nhiều năm nay từ đâu lại bén lên. Không biết người kia đang làm gì giờ này, liệu có nên viện một lý do nào đó để sang gõ cửa không? Những toan tính về tương lai nhường chỗ cho những nghĩ ngợi về chuyện nên đi dạo một mình hay rủ người kia đi cùng. Giọng nói đã từng làm cho nhau bực mình mấy hôm trước tự nhiên mềm mại và ấm áp hơn hẳn. Tôi chú ý hơn tới những cử chỉ chăm sóc đơn giản, một lời nói hay một cốc trà cũng chứa đựng cả một cơ hội.

Sau một tuần, hai con người quyết định sẽ tôn trọng không gian riêng của nhau, không ai phải quán xuyến cho người khác cả. Trong tuần phân nhau làm việc nhà và đơn giản hoá việc nấu nướng. Những ngày cuối tuần quay lại cuộc sống ký túc xá, nấu nướng riêng, tự do làm những gì mình thích, cũng có thể sẽ dành thời gian chung nhưng chưa chắc. Cuối cùng, cơn giận và sự xa cách đã như một luồng gió thổi bay những ức chế và cảm giác bị trói buộc. Những cặp đôi hạnh phúc nhất chẳng phải là những đôi sinh viên cùng ký túc xá sao?